Trong giới leo núi, nhắc đến Everest là nhắc đến ước mơ đỉnh cao – theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế nhưng, từ năm 2025 trở đi, nếu bạn chỉ có tinh thần thép mà không có tí kinh nghiệm thực chiến nào, thì xin chia buồn: Nepal đang chuẩn bị “cấm cửa” bạn khỏi nóc nhà thế giới!
Theo một dự thảo luật mới đang được xem xét tại Quốc hội Nepal, bất cứ ai muốn nhận giấy phép leo Everest sẽ phải chứng minh đã từng chinh phục ít nhất một ngọn núi cao từ 7.000 mét trở lên tại Nepal. Nếu chưa từng thở hổn hển ở độ cao sát mây ấy, xin mời bạn ngồi nhà… uống trà xem livestream.
Vì sao Nepal quyết định “khó tính” thế?
Chuyện chẳng mới: Everest những năm gần đây luôn rơi vào cảnh… kẹt xe. Đặc biệt tại “death zone” – khu vực dưới đỉnh núi với lượng oxy ít ỏi như tiết kiệm nhân đạo. Mỗi mùa leo núi, hàng dài người xếp hàng như chờ khai trương store mới, khiến rủi ro tai nạn tăng vọt.
Chỉ tính riêng năm 2023, Nepal đã cấp tới 478 giấy phép. Hệ quả là 12 người thiệt mạng và 5 người mất tích khi cố gắng “bò” lên đỉnh. Cảnh tượng người người chen chúc giữa cái lạnh -40 độ và thiếu oxy khiến dân mạng dở khóc dở cười, còn giới chuyên gia thì kêu trời vì sự coi thường tính mạng.
Việc siết chặt điều kiện leo Everest không chỉ nhằm bảo vệ mạng sống cho người leo mà còn giữ gìn hình ảnh quốc gia, tránh biến Everest thành… công viên vui chơi mạo hiểm thiếu an toàn.

Những thay đổi đáng chú ý trong dự luật mới
Chỉ ai từng chinh phục ít nhất một đỉnh núi 7.000m tại Nepal mới được cấp phép.
Các trưởng đoàn (sardar) và hướng dẫn viên phải là công dân Nepal.
Không chấp nhận hướng dẫn viên nước ngoài không có chứng chỉ chuyên nghiệp.
Nepal đang rõ ràng muốn đảm bảo rằng, từ đội ngũ phục vụ đến người leo đều phải “chuẩn bài”. Đừng tưởng cứ cầm cọc tiền là mua được giấy phép như trước!
Dư luận quốc tế nói gì?
Một số công ty lữ hành quốc tế, như Furtenbach Adventures (Áo) hay Madison Mountaineering (Mỹ), cho rằng quy định này cần linh hoạt hơn. Họ đề xuất mở rộng danh sách các đỉnh núi “hợp lệ” ra ngoài Nepal – như Ama Dablam (Nepal), Aconcagua (Argentina) hay Denali (Mỹ).
Lý do đơn giản: tìm một ngọn núi 7.000m hợp lý để tập luyện ở Nepal không dễ chút nào, trong khi một số đỉnh núi cao từ 6.500m ở các nước khác lại cực kỳ phù hợp để chuẩn bị thể lực và kỹ thuật cho Everest.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần mở cửa cho các hướng dẫn viên có bằng IFMGA (Liên đoàn Hướng dẫn viên Núi Quốc tế), bất kể quốc tịch, để đảm bảo an toàn tốt nhất cho các đoàn leo núi.
Leo Everest: Không còn là “Ai cũng có thể”!
Nếu dự luật này được thông qua – khả năng rất cao vì liên minh cầm quyền Nepal đang chiếm đa số – thì cuộc chơi Everest sẽ sang trang mới: dành cho những người thực sự xứng đáng.
Tóm lại, sắp tới, để đặt chân lên nóc nhà thế giới, bạn không chỉ cần túi tiền rủng rỉnh mà còn phải có một bộ sưu tập thành tích đáng nể trên những ngọn núi cao ngất ngưởng khác.
Hãy nhớ: Everest không phải Disneyland. Đây là nơi chỉ dành cho những trái tim quả cảm, đôi chân dẻo dai và những cái đầu lạnh trước bão tuyết!
Du lịch – 6am.vn